Luật sư - Dân sự - Ho so 13 - Công ty Kim Lân - Công ty Nhật Linh

Truy cập website mới để xem và tải nhiều tài liệu hơn nhé --> tuihocluat.com


BÀI THU HOẠCH DIỄN ÁN DÂN SỰ HỒ SƠ 13

Công ty TNHH Kim Lân và Công ty TNHH Nhật Linh

PHẦN 1:

TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ ÁN VÀ YÊU CẦU KHỞI KIỆN CỦA
NGUYÊN ĐƠN

1.          Tóm tắt nội dung vụ việc

·           Ngày 02/01/2015, Công ty TNHH Kim Lân (“Kim Lân”) và Công ty TNHH Nhật Linh (“Nhật Linh”) ký kết Hợp đồng nguyên tắc số 01/2012/NLBN- KL về mua bán hàng hóa (Hợp Đồng 01).

·           Ngày 09/5/2016, Kim Lân gửi thông báo yêu cầu Nhật Linh ngay lập tức thanh toán số tiền 3.270.212.570 đồng.

·           Ngày 17/5/2016, tại buổi làm việc để giải quyết số nợ còn tồn đọng, Nhật Linh cam kết sẽ thanh toán cho Kim Lân như đúng thỏa thuận.

·           Ngày 10/7/2016, Kim Lân khởi kiện Nhật Linh ra tòa án nhân dân (TAND) huyện Thuận Thành, Bắc Ninh.

·           Tại văn bản ghi ý kiến ngày 22/8/2016, Nhật Linh có ý kiến phản bác, yêu cầu tòa án:

*       Buộc Kim Lân chấm dứt hành vi sử dụng trái phép khu nhà ăn, niêm phong giữ nguyên trạng khu sản xuất.

*         Ký xác nhận vào biên bản thống kê tài sản.

*         Nhật Linh sẽ thanh toán nợ cho Kim Lân sau khi hoàn tất công việc trên.

·           Ngày 03/9/2016, các bên tiến hành phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải tại TAND huyện Thuận Thành. Hai bên giữ nguyên quan điểm của mình, Kim Lân đồng ý ký danh sách thống kê tài sản nếu Nhật Linh cung cấp đầy đủ giấy tờ sở hữu hợp pháp đối với tài sản.

·           Ngày 17/11/2016, Nhật Linh gửi yêu cầu phản tố yêu cầu Kim Lân hoàn trả toàn bộ tài sản của Nhật Linh trên đất của Kim Lân.

·           Ngày 26/12/2016, TAND huyện Thuận Thành ra Quyết định số 12/2016/QĐXXST-KDTM đưa vụ án tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa giữa Kim Lân và Nhật Linh ra xét xử.

2.          Tóm tắt yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn

Tại đơn kiện ngày 10 tháng 7 năm 2016, nguyên đơn đề nghị TAND huyện Thuận Thành buộc bị đơn thanh toán số tiền nợ là 3.270.212.570 đồng và lãi suất.

PHẦN 2:

KẾ HOẠCH HỎI TẠI TÒA
ĐỂ BẢO VỆ CHO NGUYÊN ĐƠN

1.          Hỏi đại diện theo ủy quyền của bị đơn (ông Nguyễn Tiến Công)

1.1.     Bị đơn cho Hội Đồng Xét Xử biết là công ty Nhật Linh và công ty Kim Lân hợp tác làm ăn với nhau khi nào? 

1.2.     Phương thức và thời hạn mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn được quy định trong hợp đồng nguyên tắc số 01 là gì?

1.3.     Bị đơn cho Hội Đồng Xét Xử biết là bị đơn đã nhận được hàng hóa theo thỏa thuận chưa?

1.4.     Vậy sau khi nhận hàng thì bị đơn đến nay vẫn chưa thanh toán cho nguyên đơn đúng không?

1.5.     Trong hợp đồng nguyên tắc giữa nguyên đơn và bị đơn có điều khoản nào quy định việc thanh toán sẽ được thực hiện sau khi nguyên đơn đã ký vào bản xác nhận kiểm kê tài sản trên đất không?

1.6.     Vậy căn cứ vào đâu bị đơn lại yêu cầu nguyên đơn ký vào danh mục kiểm kê tài sản rồi mới thanh toán khoản nợ?

1.7.     Theo biên bản đối chiếu công nợ lập ngày 25 tháng 02 năm 2016, hai bên xác nhận công nợ tính đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2015, tổng số tiền là: 3.250.319.430 VNĐ có đúng hay không?

1.8.     Bị đơn căn cứ vào biên bản đối chiếu công nợ ngày 08 tháng 5 năm 2016 để xác định số tiền bị đơn nợ nguyên đơn đúng không?

1.9.     Trong biên bản đối chiếu công nợ ngày 08 tháng 5 năm 2016  ghi rằng “số công nợ tính đến thời điểm đến hết ngày 30/04/2013” đúng không?

1.10.  Nguyên do từ đâu mà khi chưa được sự đồng ý từ phía nguyên đơn, bị đơn đã xây dựng nhà xưởng và lắp đặt trang thiết bị trên đất của nguyên đơn?

1.11.  Số tài sản mà bị đơn cho rằng đang để lại trên đất của nguyên đơn bao gồm 1 máy phát điện, nhà kho 3 tầng và 1 xe ô tô Isuzu 54V-9063, đúng không?

1.12.  Bị đơn có bằng chứng nào để chứng minh những tài sản mà bị đơn để lại trên đất của nguyên đơn là thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình hay không?

1.13.  Trong bản tự khai ngày 23 tháng 8 năm 2016, bị đơn cho rằng chính công ty mình đã góp vốn vào công ty Kim Lân, đầu tư tiền để xây dựng nhà xưởng, kho tàng, và các hạ tầng cơ sở khác, vậy bị đơn có bất kỳ chứng cứ nào về việc mình đã góp vốn vào công ty Kim Lân hay không?

1.14.  Vậy tại sao tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 03 tháng 9 năm 2016, bị đơn lại không giao nộp chứng cứ này?

 

 

2.          Hỏi đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn (bà Kiều Thị Hải Vân)

2.1.     Nguyên đơn cho biết nguyên nhân phát sinh tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là gì?

2.2.     Hiện tại bị đơn còn nợ nguyên đơn bao nhiêu tiền?

2.3.     Nguyên đơn đã có những động thái hay hành động nào nhằm nhắc nhở và yêu cầu bị đơn liên quan đến việc chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán hay không?

2.4.     Thông qua các công văn mà nguyên đơn đã gửi cho bị đơn thì động thái bị đơn như thế nào?

2.5.     Các bên có thỏa thuận hợp tác để bị đơn xây dựng trên đất của nguyên đơn không? Nếu không có thỏa thuận thì lý do gì khiến nguyên đơn chấp nhận để bị đơn xây dựng trên đất của mình?

2.6.     Đối với các tài sản của bị đơn hiện đang trên đất của nguyên đơn thì hai bên đã thỏa thuận được với nhau về cách giải quyết hay chưa?

 

PHẦN 3:

BÀI LUẬN CỨ BẢO VỆ CHO NGUYÊN ĐƠN

Kính thưa Hội Đồng Xét Xử!

Thưa vị đại diện Viện Kiểm Sát tham gia phiên tòa!

Thưa vị luật sư đồng nghiệp!

Tôi là luật sư ........................, đến từ văn phòng luật sư ..........................., thuộc Đoàn Luật Sư Thành phố Hồ Chí Minh. Tại phiên tòa ngày hôm nay, với sự yêu cầu của nguyên đơn và đồng ý của quý tòa, tôi tham gia với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn là công ty TNHH Kim Lân (công ty Kim Lân), người khởi kiện công ty TNHH Nhật Linh Bắc Ninh (công ty Nhật Linh), liên quan đến tranh chấp kinh doanh thương mại đã được quyết định đưa ra xét xử theo Quyết Định số 12/2016/QĐXXST-KDTM ngày 26 tháng 12 năm 2016.

 

Trước khi Hội Đồng Xét Xử tiến hành nghị án, tôi xin phép phát biểu một số quan điểm pháp lý để bảo vệ cho người khởi kiện như sau:

Qua phần trình bày của các bên và phần xét hỏi công khai tại phiên tòa ngày hôm nay, xét thấy đã thể hiện rõ nội dung tranh chấp, tôi xin phép không tóm tắt lại nội dung vụ án.

Để bắt đầu cho phần trình bày của mình, trước tiên, tôi khẳng định có tồn tại hợp đồng mua bán giữa nguyên đơnbị đơn, trong đó bị đơn nợ tiền hàng và đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ này.

Cụ thể, từ năm 2008 đến tháng 4 năm 2016, công ty Kim Lân và công ty Nhật Linh có hợp tác làm ăn với nhau trong việc sản xuất hàng hóa linh kiện, thiết bị điện. Trong quá trình làm ăn trao đổi hàng hóa, hai bên thanh toán theo phương thức gối đầu là Kim Lân sẽ bàn giao hàng theo đúng số lượng và chất lượng mà Nhật Linh yêu cầu, cùng với các chứng từ thanh toán, sau đó, Nhật Linh sẽ trả dần cho Kim Lân trong thời hạn sáu tháng kể từ khi nhận được hàng và giấy tờ liên quan.

Trong số các hợp đồng mà hai bên đã ký, có hợp đồng nguyên tắc số 01/2015/NLBK-KL ngày 02 tháng 01 năm 2015 (Hợp Đồng 01), với nội dung về điều khoản thanh toán như sau: Công ty Nhật Linh có nghĩa vụ phải thanh toán cho công ty Kim Lân tiền hàng của từng đơn hàng cho công ty Kim Lân trong vòng sáu tháng kể từ ngày công ty Kim Lân cung cấp đầy đủ các chứng từ thanh toán (phiếu nhập kho, báo giá chi tiết, giấy đề nghị thanh toán, và hoá đơn giá trị gia tăng).

Việc bàn giao hàng hoá theo yêu cầu của từng đơn đặt hàng nói riêng và theo quy định của Hợp Đồng 01 nói chung đã được công ty Kim Lân nghiêm túc tuân thủ, thể hiện ở các bút lục số 15, 16, 17, 19, 20, từ 22 đến 26, 28 và 29. Đây là các phiếu nhập kho do chính công ty Nhật Linh lập.

Ngoài ra, mặc dù sau khi hoàn tất nghĩa vụ giao hàng, công ty Kim Lân đã kịp thời gửi cho công ty Nhật Linh các giấy tờ liên quan đến đơn hàng để công ty Nhật Linh thực hiện việc thanh toán, công ty Nhật Linh đã không ít lần trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình. Điều này được thể hiện ở bút lục số 27 – Biên bản đối chiếu công nợ do Kim Lân và Nhật Linh cùng lập và ký xác nhận ngày 25 tháng 02 năm 2016, ghi nhận số nợ của Nhật Linh đối với Kim Lân là 3.250.319.430 đồng Việt Nam; và bút lục số 31 – Công văn đòi nợ số 0506ĐN/CV cho Kim Lân gửi cho Nhật Linh, đề ngày 09 tháng 5 năm 2016.

Bên cạnh đó, tại bút lục số 33 – Biên bản làm việc giữa Kim Lân và Nhật Linh ngày 17 tháng 5 năm 2016, ông Nguyễn Tiến Công (Phó Tổng Giám Đốc đồng thời là người đại diện theo uỷ quyền của Nhật Linh) cũng đã thừa nhận Nhật Linh đang nợ tiền hàng và cam kết sẽ trả cho Kim Lân.

Có thể thấy, việc Nhật Linh không có ý kiến phản đối đối với Biên bản đối chiếu công nợ ngày 25 tháng 02 năm 2016, đối với Công văn đòi nợ số 0506ĐN/CV ngày 09 tháng 5 năm 2016 và đối với Biên bản làm việc ngày 17 tháng 5 năm 2016 đã chứng tỏ phía Nhật Linh hoàn toàn thừa nhận về mối quan hệ bạn hàng với Kim Lân, thừa nhận đang nợ tiền hàng đối với Kim Lân và Nhật Linh đã nhiều lần vi phạm nghĩa vụ trả nợ đó.

 

Thứ hai, tôi cho rằng lập luận của phía bị đơn và luật sư của bị đơn liên quan đến hợp đồng góp vốn giữa công ty Kim Lân và công ty Nhật Linh là hoàn toàn không có căn cứ, bởi các lẽ sau đây:

Thứ nhất, căn cứ Giấy Chứng Nhận Đăng Ký Doanh Nghiệp (GCNĐKDN) số 2300336011, cấp lần đầu ngày 12 tháng 6 năm 2008, đăng ký thay đổi lần thứ bảy ngày 15 tháng 5 năm 2013 của công ty Nhật Linh, danh sách thành viên góp vốn của công ty Nhật Linh bao gồm công ty TNHH Nhật Linh (Địa chỉ trú sở chính tại Dốc Đoàn Kết, Vĩnh Hưng, Quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) (Nhật Linh Hà Nội), ông Nguyễn Chí Linh, và bà Nguyễn Huyền Phương. Có thể thấy, không hề có tên công ty Kim Lân hay bất kỳ bên liên quan nào của công ty Kim Lân được ghi nhận là thành viên góp vốn của công ty Nhật Linh.

Thứ hai, căn cứ bút lục số 45 – Văn bản ghi ý kiến của Nhật Linh ngày 22 tháng 8 năm 2016, Nhật Linh có nhắc đến hợp đồng góp vốn số 288/HĐ/2008 (Hợp Đồng 288), và Giấy Chứng Nhận Đầu Tư số 21121/000088 do Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Ninh cấp vào ngày 17 tháng 10 năm 2008 (Giấy Chứng Nhận Đầu Tư).

Tuy nhiên, đính kèm theo văn bản ghi ý kiến, tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ ngày 03 tháng 9 năm 2016 và qua phiên xét hỏi ngày hôm nay, Nhật Linh đều không đưa ra được Hợp Đồng 288 cũng như Giấy Chứng Nhận Đầu Tư mà Nhật Linh đã nhắc đến.

Thứ ba, theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, cụ thể là Điều 29 Luật Doanh Nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 (Luật Doanh Nghiệp), thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo các quy định sau:

-            Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

-            Phần vốn góp bằng tài sản không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng chỉ được coi là thanh toán xong khi quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn đã chuyển sang công ty.

Giả sử có tồn tại việc công ty Kim Lân có dùng 11.735.4 m2 đất cùng toàn bộ tài sản, công trình xây dựng trên đất để góp vốn xây dựng nhà máy LiOA như lập luận của công ty Nhật Linh, thì việc góp vốn này chỉ hoàn tất khi quyền sử dụng đất và quyền sở hữu đối với tài sản trên đất đã được chuyển từ công ty Kim Lân sang cho công ty Nhật Linh. Trong khi, thực tế cho thấy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất đối với 11.735.4 m2 đất vẫn ghi nhận công ty Kim Lân là chủ sử dụng hợp pháp 11.735.4 m2 đất này.

Nói tóm lại, hoàn toàn không có căn cứ để khẳng định công ty Kim Lân có góp vốn vào công ty Nhật Linh hay bất kỳ dự án nào của công ty Nhật Linh.

 

Thứ ba, tôi cho rằng yêu cầu phản tố của Nhật Linh liên quan đến việc sử dụng tài sản của Nhật Linh để đối trừ cho nghĩa vụ trả nợ là không có cơ sở.

Như tôi đã đề cập ở trên, trên thực tế không hề có việc công ty Kim Lân dùng 11.735.4 m2 đất và các tài sản gắn liền với đất để góp vốn vào công ty Nhật Linh. Thật ra, phần đất này là công ty Kim Lân cho công ty Nhật Linh thuê mặt bằng để mở rộng sản xuất từ năm 2009, sau đó công ty Nhật Linh đã tự ý xây dựng thêm nhà kho ba tầng. Vì quyền sử dụng đối với 11.735.4 m2 đất và quyền sở hữu đối với các tài sản gắn liền với đất không thuộc về công ty Nhật Linh, nên công ty Nhật Linh không có căn cứ nào để sử dụng những tài sản này để đối trừ cho nghĩa vụ thanh toán tiền hàng của mình.

Mặt khác, đối với các tài sản trên đất do công ty Nhật Linh tạo lập trong quá trình thuê mặt bằng, công ty chỉ công nhận những tài sản thuộc sở hữu của công ty Nhật Linh bao gồm máy phát điện, nhà kho ba tầng và xe Isuzu mang biển kiểm soát 54V-9063. Các tài sản còn lại đều do công ty Kim Lân tạo dựng nhằm phục vụ cho hoạt động sản xuất của mình từ trước đó, có hoá đơn, chứng từ chứng minh. Vì công ty Kim Lân không đồng ý với nội dung của Bảng Kê Tài Sản mà Nhật Linh đưa ra, nên đại diện của Kim Lân đã không ký xác nhận vào Bảng Kê này.

Việc công ty Kim Lân không ký vào Bảng Kê Tài Sản mà Nhật Linh đưa ra không thể dùng để viện dẫn cho lý do Nhật Linh không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán tiền hàng cho Kim Lân.

 

Trên đây là toàn bộ những ý kiến và quan điểm của tôi nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là công ty Kim Lân.

Mong Hội Đồng Xét Xử xem xét và đưa ra phán quyết công bằng, đúng pháp luật.

Tôi xin chân thành cảm ơn Hội Đồng Xét Xử đã lắng nghe.


Nhận xét

Đăng nhận xét

Bạn nào coi mà thấy sai sai hay muốn góp ý thì bình luận ở dưới đây hoặc ib cho mình qua Fb hay insta nha ^^

Bài đăng phổ biến từ blog này

Luật sư - Dân sự - Ho so 9 - YD và Thu ver 2

Hình sự - Bài tập - CỤM 2 - CÁC TỘI XÂM PHẠM CON NGƯỜI

Luật sư - Dân sự - Ho so 7 - Hảo Nguyệt Ver 2